Nhiều ý kiến kêu gọi các nhà bán lẻ giảm giá bán thịt hơn nữa để kích cầu, trong khi các doanh nghiệp (DN) chế biến có thể tăng mua để cấp đông, dự trữ.
Trang trại heo của ông Nguyễn Hữu Thắng (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) giảm đàn 30-40% do thua lỗ – Ảnh: A LỘC
Người nuôi lỗ 7.000 – 11.000 đồng/kg heo hơi
Theo ông Báu, với mức này, giá heo hơi đã giảm 28.000 – 29.000 đồng/kg so với mức giá vào đỉnh điểm, người nuôi lỗ
7.000 – 11.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Báu, qua tìm hiểu thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng thịt heo vẫn lớn, đặc biệt là giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao.
Để dẫn chứng, ông Báu cho biết lái heo mua tại cơ sở chăn nuôi giá 24.000 đồng/kg, sau giết mổ bán cho tiểu thương và hộ kinh doanh thịt với giá 36.000 đồng/kg, trong khi giá bán ngoài chợ truyền thống 80.000 đồng/kg, còn siêu thị là 100.000 đồng/kg.
“Khâu trung gian, từ thu mua đến kinh doanh, chiếm lợi nhuận cao từ 44.000 – 64.000 đồng/kg, mức lợi nhuận quá bất hợp lý. Nếu những tồn tại trong khâu phân phối lưu thông không được giải quyết sớm, không kiểm soát được, người chăn nuôi rất khó khăn” – ông Báu nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công – chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai – cho rằng chính vì bất cập ở khâu trung gian nên giá ở chợ truyền thống, siêu thị mới cao như vậy.
“Đề nghị cơ quan quản lý phải vào cuộc để đưa giá thịt heo ở chợ, siêu thị về đúng với thực tế, để người tiêu dùng hưởng lợi và người chăn nuôi không phải chịu giá quá thấp như hiện nay” – ông Công nói.
Đồng thời cảnh báo nếu giá heo hơi được bán với mức rẻ như hiện nay mà không có giải pháp, ngành chăn nuôi Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi heo cả nước – sẽ đổ vỡ trong vòng ba tháng tới.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Nhà nước không can thiệp vào giá nhưng các DN phải tính toán, cân nhắc, bởi không chỉ người chăn nuôi mà cả nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nếu giá heo hơi tiếp tục giảm.
Biểu đồ biến động giá thịt heo từ tháng 4-2016 đến nay – Nguồn: Hiệp hội Chăn nuôi VN – Đồ họa: N.KH.
Giảm giá thịt, cấp đông và chế biến
Để giải cứu người chăn nuôi, ông Công đề nghị trước mắt tỉnh Đồng Nai dùng nguồn tiền bình ổn giá để giết mổ lượng thịt heo đang dôi dư, cung ứng đến các khu công nghiệp (KCN), bán cho công nhân, người dân sát với giá thị trường, tạo hiệu ứng giảm giá nhằm kích cầu.
Ngoài ra, các điểm bán phải niêm yết giá công khai để chợ truyền thống giảm theo vì chợ truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ thịt heo nhiều nhất.
Cũng theo ông Công, các DN bán lẻ thịt heo như Vissan, Co.op Mart… nên giảm giá thịt heo sát với thị trường. Bởi với giá heo hơi hiện nay, nếu bán heo thịt với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg thì các DN vẫn có lời.
Phát biểu tại buổi họp, ông Võ Văn Chánh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho rằng giá tiêu thụ ngoài chợ và siêu thị không giảm, lượng thịt heo tiêu thụ không tăng khiến giá heo hơi càng giảm sâu.
Do đó, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện mặt bằng cho hiệp hội và các DN tổ chức bán thịt heo tại các KCN, góp phần hỗ trợ người chăn nuôi. “Những nơi nào có thể tiêu thụ thịt heo được sẽ làm như KCN, lực lượng vũ trang…
Trước mắt, Sở Công thương chủ trì cùng ban quản lý các KCN, hiệp hội… xem chỗ nào tổ chức bán thịt heo cho công nhân không ảnh hưởng gì thì phải làm
ngay” – ông Chánh chỉ đạo.
Ngoài ra, ông Chánh yêu cầu các sở, ngành rà soát các DN có năng lực tham gia giết mổ cấp đông, đồng thời tính toán phương án giảm đàn, phòng chống dịch bệnh.
“Ngành chăn nuôi đang khó khăn, các ngân hàng cùng chung sức khoanh nợ, giãn nợ và cho người chăn nuôi đủ điều kiện vay để ổn định sản xuất. Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng tính toán giảm giá bán để đỡ chi phí sản xuất cho người nuôi” – ông Chánh kêu gọi.
Ông Vũ Văn Tám cũng ủng hộ phương án tăng cường cấp đông và chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi.
“Khi làm việc với các đơn vị giết mổ và chế biến ở TP.HCM, chúng tôi sẽ có ý kiến về việc này. Riêng Đồng Nai thấy cần thiết rà soát và đề xuất các chính sách ưu đãi về lãi suất với bộ, bộ sẽ báo cáo Chính phủ” – ông Tám nói.
Đồng thời ông Tám cũng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán với Trung Quốc khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch thịt heo, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước khác.
5 giải pháp
cấp bách cứu
chăn nuôi heo
Trong số 5 giải pháp cấp bách vừa gửi các địa phương ngày 27-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả để giảm giá thịt heo trên thị trường.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị các công ty thức ăn chăn nuôi rà soát toàn bộ các khâu sản xuất,
điều chỉnh giá bán để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn trước mắt; các cơ sở sản xuất, chế biến thịt phát huy hết công suất giết mổ, trữ đông và chế biến thịt heo, thêm “đầu ra” cho chăn nuôi heo.
L.Anh
|
Các DN giết mổ phải tăng mua để cấp đông, chế biến
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho biết thịt heo không nằm trong nhóm mặt
hàng bình ổn thị trường.
Do vậy, cơ quan chức năng không thể kiểm soát, can thiệp giá cả thịt heo bán ra trên thị trường, thay
vào đó là tập trung vào khâu điều phối thị trường để tăng cường tiêu thụ sản phẩm. Bởi vấn đề quan trọng phải giải quyết từ gốc rễ là nguồn cung đàn heo tăng mạnh.
Theo đó, bộ đã có văn bản yêu cầu các DN chế biến, giết mổ và phân phối phải tăng cường tiêu thụ
thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi; phối hợp chặt chẽ với sở công thương, sở NN&PTNT để tiêu thụ lượng heo thịt đã đến thời kỳ xuất chuồng; tăng lượng mua giết mổ, chế biến, cấp đông các sản phẩm thịt heo.
NGỌC AN
|
Tác giả: HÀ MI – sondinh@tuoitre.com.vn
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ