Nông nghiệp Việt Nam thật đáng lo - Ngành Chăn nuôi thú y Việt Nam

Latest

Thông tin Chăn nuôi - Thú y Chia sẻ kinh nghiệm Bệnh dịch gia súc Chăn nuôi sạch Giá cả thị trường Giá heo hơi hôm nay Dịch tả châu phi

CẦN TÌM ĐỐI TÁC - TÀI TRỢ: 0775.895.369

Tải ứng dụng CSXN để đọc bài nhanh hơn! => Tại đây

Quảng cáo và tài trợ

loading...

7/6/17

Nông nghiệp Việt Nam thật đáng lo

Nông nghiệp Việt Nam thật đáng lo

 - Tại phiên họp toàn thể tại Hội trường ngày 01/4/2016, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng của mình về sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.

Sản xuất nông nghiệp nước ta đang rất mong manh
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) cho rằng, mặc dù nông nghiệp nói chung chỉ đóng góp khoảng 17%-19% tổng GDP của nền kinh tế, nhưng gắn liền với 70% dân số sống ở nông thôn, có đời sống gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Trong các năm qua, Chính phủ và bộ, ngành đã có rất nhiều quan tâm đối với lĩnh vực này bằng nhiều chính sách có tính lâu dài và tình thế, nhất là tái cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp, nhưng sự chuyển biến chưa thật sự nhiều.
Trong Báo cáo Chính phủ cũng đã ghi nhận hạn chế, yếu kém của nông nghiệp nước ta là cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu, đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn còn thấp, hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn chậm, sản xuất nhiều loại hàng nông sản còn manh mún, hiệu quả chưa cao, năng suất và thu nhập của người lao động sản xuất nông nghiệp còn thấp.
“Qua đó, cho thấy nền nông nghiệp của chúng ta hiện rất mong manh trước tình hình và sự tham gia vào nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương”, đại biểu Phương nhận định.
Thêm vào đó, đầu năm 2016 thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã xảy ra ở một số vùng, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam càng mong manh hơn, hay nói khác đi là nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước khó khăn kép gồm thị trường và điều kiện tự nhiên.
Nhận định của đại biểu Phương khá tương đồng với quan điểm của đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An).
“Thật đáng lo vì sản xuất nông nghiệp nước ta đang rất mong manh, đời sống người dân bấp bênh, dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập”, vị đại biểu đến từ Long An chia sẻ.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của điều kiện tự nhiên, nhất là tác động hạn, xâm nhập mặn đang có nguy cơ làm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm và có ảnh hưởng đến nông nghiệp tại các vùng khác như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tình trạng này, theo đại biểu Đỉnh, cho thấy, dự báo hệ thống ngắn hạn về khí hậu, thời tiết của ta chưa đáp ứng kịp thời và các phối hợp liên ngành trong lĩnh vực thông tin, ứng phó còn kém.
Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Lê Công Đỉnh là việc đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Sản xuất nông nghiệp nước ta luôn dao động theo thị trường, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, sản xuất nông nghiệp sẽ còn chịu các tác động lớn khi Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.
“Chúng ta đã làm gì để giúp người nông dân hiểu biết và chủ động ứng phó để không bị tổn thương trong quá trình hội nhập này hay cứ để người nông dân tự bơi trong khi chưa biết bơi”, đại biểu Đỉnh đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) cung cấp thêm thông tin, từ hơn 4 năm nay giá cà phê trên thị trường nội địa ngày một xuống dần.
 Sau khi giá cà phê chạm đỉnh trên 50.000 đồng/1kg, nay đã có lúc dưới 30.000 đồng/1kg. Mới đây có dịp tăng nhẹ lại nhưng chưa ai dám đảm bảo rằng giá sẽ ổn định và tốt hơn. Giá hồ tiêu cũng đang giảm không phanh, từ trên 200.000 đồng/1kg thì đến nay chỉ còn 130.000 đồng đến 140.000 đồng/1kg.
Thị trường nông sản hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng được giao dịch trên các sàn tài chính tái sinh nay phải phụ thuộc và chịu rủi ro rất nhiều về giá cả.
Bên cạnh đó, nạn hạn hán đang hoành hành, nhiều vùng sản xuất cà phê và hồ tiêu đang bị thiếu nước tưới trầm trọng, năng suất và diện tích đang giảm dần. Đặc biệt, một số vùng người nông dân phải đau lòng nhìn cây cà phê bị chết cháy vì khô hạn.
“Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến GDP và quan trọng hơn tác động xấu đến đời sống của người dân ở Tây Nguyên và nhiều nơi khác”, đại biểu Huệ chỉ rõ.

Diện tích lúa tôm của người dân bị thiệt hại do hạn hán và nhiễm mặn - Ảnh: T.Thái/ tuoitre.vn
Báo động vấn nạn thực phẩm bẩn
Về vấn đề đang nhức nhối hiện nay là tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm bẩn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào thế tiến thoái lưỡng nan, không ăn không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh tật đến lúc nào biết lúc đó.
“Nếu chúng ta không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn thì không thể đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm sạch của người dân, đây là một quyền phái sinh từ quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe con người theo Hiến pháp. Không có một nền nông nghiệp sạch chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà trước những sản phẩm sạch ngoại nhập”, đại biểu Nga lo lắng.
Hiện nay, hệ thống pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm gồm có: Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 38/CP/2012; các luật chuyên ngành liên quan là Luật Hóa chất, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh Quản lý thị trường. Về chế tài có Bộ luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật dân sự.
Có thể khẳng định hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ. So với pháp lệnh trước đây thì trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành đã được phân định rất rõ ràng, trong đó trách nhiệm chung là của Chính phủ, trách nhiệm chủ trì của Bộ Y tế, trách nhiệm theo từng lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và của ủy ban nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, điều đáng lo là dù pháp lý rất đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Lý giải cho hiện trạng trên, theo đại biểu Nga, nguyên nhân bao trùm là do việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém.
Vị đại biểu này chỉ rõ, quản lý yếu kém tại nhiều ngành, nhiều cấp dưới không thực thi đầy đủ nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, cá biệt có trường hợp tiếp tay làm ngơ cho sai phạm nhưng không bị phát hiện, xử lý.
Lấy đơn cử vụ Salbutamol, một chất có tác hại lớn với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ Nông nghiệp cấm nhập, nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập. Với số lượng lớn được nhập vào (hơn 9 tấn trong 2 năm).
Sau khi vào được nội địa cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này, hiện nay chưa ai trả lời được bao nhiêu tấn trong 9 tấn đó dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu tấn bị sử dụng sai mục đích tuồn ra thị trường để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi.
“Chúng ta theo dõi Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an đều chưa có câu trả lời là bao nhiêu tấn tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc”, vị đại biểu này đặt vấn đề.
Về giám sát của Quốc hội, đại biểu Nga cho rằng, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, phương thức giám sát vừa qua của chúng ta là chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của toàn Quốc hội để góp phần cùng Chính phủ chặn đứng tình hình.
Từ các vấn đề trên, đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị, Quốc hội giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trước mắt cần yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện đúng 10 nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 34/2009.
Đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng mức độ mất an toàn hiện nay và có giải pháp chặn đứng tình hình.
Để chuẩn bị áp dụng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317, Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu, phạt tù cao nhất là 20 năm, đại biểu này đề nghị, Chính phủ sớm rà soát, bổ sung quy định rõ ràng minh bạch hơn về danh mục chất cấm, về quy chuẩn ngưỡng cho phép và nhiều quy định khác ở Điều 317 và 10 điều luật khác có liên quan trong Bộ luật Hình sự để phục vụ cho việc xử lý hình sự để tránh hình sự hóa, nhưng cũng phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Giúp nông dân, đẩy nông nghiệp thế nào?
Để khắc phục những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hiện nay, theo đại biểu Lê Công Đỉnh đề xuất 5 chiến lược cơ bản là:
(i) Gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm có tính cạnh tranh về chủng loại, quy mô, giá thành, nhất là với lúa gạo, cà phê, tiêu, cao su, thủy sản nước ngọt và một số chủng loại rau màu;
 (ii) Từng bước khắc phục nhược điểm cổ hủ của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, đó là sản xuất phân tán, sản phẩm không có xác nhận, quy mô, chất lượng không đồng nhất sẽ khó vượt các rào càn về kỹ thuật thương mại trong xuất khẩu cũng như phải chịu tác động cạnh tranh của hàng nông sản nhập khẩu. Một trong những biện pháp quan trọng và nhanh chóng triển khai đó là liên kết doanh nghiệp với nông dân trong việc phát triển các vùng chuyên canh có kết hợp với tiêu chuẩn hóa, nhất là theo hướng sản xuất an toàn hoặc theo tiêu chuẩn của các nhà tổng phát hàng.
(iii) Xem xét lại các phương thức và quy mô các ngành không có tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập để có những định hướng và chính sách phù hợp hơn.
(iv) Cần nghiên cứu và đề xuất có chiến lược rõ ràng đối với phân khúc các sản phẩm nông nghiệp.
(v) Có giải pháp bền bỉ, nâng cao khả năng của nông dân trong quản lý nông nghiệp quy mô tập trung, kết hợp với hệ thống hỗ trợ nông nghiệp về cơ giới, tư vấn xử lý sau thu hoạch và các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả chuyển dịch lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Với các vấn đề về hội nhập, theo vị đại biểu này, Quốc hội, Chính phủ cần phải có các giải pháp giúp cho nông dân hiểu được phải làm gì để chủ động trong quá trình hội nhập. Phân tích những tác động từ bên ngoài, các vấn đề về nội tại cũng như những thuận lợi, khó khăn của nông nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập TPP.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Phương kiến nghị, Chính phủ trong năm 2016 và kế hoạch 2016-2020 cần có những chính sách điều hành đột phá hơn, đầu tư nhiều hơn, chú ý nhiều đến sản xuất và tiêu thụ, tiếp tục xem trọng nền nông nghiệp hơn nữa để có thể vượt qua khó khăn, làm chuyển biến căn bản nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả và vai trò của nông nghiệp.
Ở góc độ vi mô hơn, đại biểu Nguyễn Thị Huệ mong muốn, Nhà nước cần đưa ra phương sách kịp thời để cứu cây cà phê vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho nông dân tiếp xúc với thị trường trực tiếp giúp nông dân hiểu biết căn bản về giao thương, giao dịch hàng hóa, giảm các tầng trung gian không cần thiết trong chuỗi cung ứng./.
Trí Dũng