Đâu chỉ An Giang: Giá thấp, người chăn nuôi ngại tái đàn heo - Ngành Chăn nuôi thú y Việt Nam

Latest

Thông tin Chăn nuôi - Thú y Chia sẻ kinh nghiệm Bệnh dịch gia súc Chăn nuôi sạch Giá cả thị trường Giá heo hơi hôm nay Dịch tả châu phi

CẦN TÌM ĐỐI TÁC - TÀI TRỢ: 0775.895.369

Tải ứng dụng CSXN để đọc bài nhanh hơn! => Tại đây

Quảng cáo và tài trợ

loading...

27/11/17

Đâu chỉ An Giang: Giá thấp, người chăn nuôi ngại tái đàn heo

Chỉ còn khoảng 3 tháng là đến Tết Mậu Tuất 2018, đây là thời điểm nhiều hộ chăn nuôi chuẩn bị tái đàn heo phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, giá heo năm nay thấp kỷ lục, chi phí thức ăn tăng cao đã khiến bà con càng nuôi càng lỗ nên hầu như ai cũng ngại việc tái đàn.

Hiện nay, giá heo hơi được thương lái thu mua tại chuồng chỉ từ 2,7-2,8 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, theo nhiều nông dân chăn nuôi heo, giá heo từ 35.000-40.000 đồng/kg mới mong có lời. Cuối tháng 9, giá heo tăng đột biến, đạt mức 30.000-40.000 đồng/kg, tuy nhiên, nhiều người nuôi heo chưa kịp phấn khởi thì giá heo đã giảm và giữ mức giá thấp như hiện nay. Theo Phó Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tri Tôn (An Giang) Trần Văn Luốt, những năm trước, tổng số đàn heo trên địa bàn huyện luôn có trên 20.000 con. Tuy nhiên, năm nay giá heo liên tục giảm, không có dấu hiệu lên lại nên người chăn nuôi không còn thiết tha tái đàn. “Hiện nay, số lượng đàn heo đã giảm hơn một nửa, số còn lại chủ yếu là heo giống nhà để lại. Giá heo thấp, giá thức ăn tăng, người nào nuôi tiết kiệm lắm cũng lỗ thấp nhất 500.000-700.000 đồng” – ông Luốt phân tích.


Số lượng đàn heo trong tỉnh giảm đáng kể, người nuôi không “mặn mà” tái đàn vì không có dấu hiệu giá khởi sắc

Mấy chục năm gắn bó với nghề nuôi heo, bà Nguyễn Thị The (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) chấp nhận thua lỗ suốt thời gian dài chờ giá heo khởi sắc. Tuy nhiên, càng nuôi càng lỗ, heo cứ rớt giá liên tục và giờ “trụ” lại với mức giá thấp. Trước đây, trong trại heo của bà The lúc nào cũng có khoảng 300 con heo lứa và trên chục con heo nái. Hàng năm, cứ vào thời điểm Tết, trại heo của bà The đều xuất bán từ 80-100 con heo thịt, thu lời gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chuồng heo của bà The chỉ còn vài chục con heo lứa bán lai rai, còn heo nái đã bán gần hết. “Do sẵn có heo con giống, tôi phải ráng nuôi, bà con ở đây đã “treo chuồng” nghỉ nuôi hoặc phải giảm đàn, nuôi cầm chừng chờ giá. Giờ trong chuồng còn được 50-60 con bán cho đợt Tết, xong rồi tôi nghỉ nuôi, lỗ quá nhiều, không còn mặn mà với nghề nuôi heo này nữa rồi…” – bà The giãi bày. Giá heo tại chuồng thấp, trong khi giá heo thịt bán tại chợ ở mức cao, tính ra thu lợi nhiều nhất vẫn là thương lái, do vậy, người chăn nuôi chán nản không muốn tái đàn nuôi tiếp là chuyện dễ hiểu. Theo nhiều bà con nuôi heo lâu năm, nuôi thì lỗ nhưng không nuôi thì không được, vì đây là nghề cho thu nhập chính và nợ từ đợt heo trước vẫn còn, nên một số hộ vẫn cố nuôi tiếp để chờ heo có giá, gỡ gạc lại. Theo chị Trần Huỳnh Như, cán bộ thú y xã Châu Lăng, những năm trước, số lượng đàn heo ở xã lúc nào cũng trên 2.000 con, có nhiều nông dân đã làm giàu với mô hình này. “Tuy nhiên, hiện nay, số lượng heo giảm đi rất nhiều, chỉ còn chưa tới một nửa so với trước đây. Họ chủ yếu nuôi lại con giống nhà, ai cũng cố gắng cầm chừng, chờ giá, tuy nhiên nhìn nhận thị trường chắc khó có chiều hướng tăng” – chị Như thông tin.


Trại heo của bà Trần Thị Bé (xã Châu Lăng, Tri Tôn) vẫn còn 70 con heo lứa, đây là số heo con còn sót lại, vì heo nái đẻ ra bán heo con giống cũng không ai mua. “Năm nay, tôi lỗ gần cả trăm triệu đồng, trước đây trong chuồng có 8 con heo nái, giờ đã bán 6 con. Hồi đó, toàn cho heo ăn thức ăn, giờ giá heo rẻ nên người nhà thay phiên nhau đi xách cặn, nấu đậu nành kèm vô… lỗ thì chắc rồi, mà lỗ ít cũng đỡ khổ”- bà Bé bày tỏ. Hàng năm, khoảng tháng 9-10 (âm lịch) là chị Huỳnh Thị Thống Nhất (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) chuẩn bị trên 20 heo con giống để tái đàn phục vụ thị trường Tết. Năm nay, chị Thống Nhất đã không còn mặn mà, đợi bán xong đợt heo còn lại sẽ “treo chuồng” nghỉ nuôi. “Trong chuồng giờ còn 30 con heo, theo lẽ đã tới lứa bán, thấy giá thấp nên ráng cầm chừng đợi giá có nhóng lên được chút nào không. Đợt này bán xong, tôi bàn với chồng nghỉ nuôi luôn, lỗ quá…” – chị Thống Nhất chia sẻ.


Ánh Nguyên
Nguồn: Báo An Giang