THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 12/2017 ước đạt 244 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này cả năm 2017 lên 3,23 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 11 tháng đầu năm 2017 là Argentina (chiếm 47% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (7,9%), Trung Quốc (4,9%) và Ấn Độ (chiếm 4,5% thị phần). Trong đó, thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Canada (tăng hơn 6 lần) tiếp đến là các thị trường Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ tăng lần lượt là 80,1% và 12,2%. Ngược lại, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ giảm mạnh, mức giảm lần lượt là 40,4% và 30,9%.
Đậu tương:
Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 12/2017 đạt 320 nghìn tấn với giá trị 137 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương cả năm 2017 ước đạt 1,79 triệu tấn và 770 triệu USD, tăng 15,8% về khối lượng và tăng 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngô:
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 12/2017 đạt 513 nghìn tấn với giá trị đạt 96 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô năm 2017 đạt 7,75 triệu tấn và 1,51 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Argentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 11 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt là 52,6% và 28,1% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong 11 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô tăng mạnh nhất tại thị trường Thái Lan gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ gấp 2,68 lần. Ngược lại, thị trường Brazil lại có khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này đều giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.
Lúa mì:
Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 12/2017 đạt 344 nghìn tấn với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này năm 2017 đạt 4,64 triệu tấn và 992 triệu USD, giảm 2,1% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 11 tháng đầu năm 2017 là Úc, Canada và Nga với thị phần lần lượt là 45,7%, 20,9% và 8,7%. Trong 11 tháng đầu năm 2017 ba thị trường nhập khẩu lúa mì này đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Trong đó, thị trường Canada có khối lượng lúa mì tăng hơn 15 lần và giá trị tăng gần 12 lần, thị trường Nga có khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 6,9 lần và giá trị tăng 7,2 lần và thị trường Úc có khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 14,1% và giá trị tăng 12,9%. Thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Hoa Kỳ (giảm 82,4%).
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Sắn và các sản phẩm từ sắn:
Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, xuất khẩu sắn và sản phẩm trong tháng 11 tăng cả lượng và trị giá so với tháng 10, tăng lần lượt 22% và 23,6%, đạt tương ứng 374,7 nghìn tấn, trị giá 179,9 triệu USD, – đây là tháng có lượng xuất giảm thứ hai liên tiếp – tính chung 11 tháng đầu 2017 đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn, trị giá 909,4 triệu USD, tăng 4,92% về lượng và tăng 0,35% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Giá xuất khẩu bình quân trong 11 tháng 2017 khoảng 259,3 USD/tấn, giảm 4,3% so với giá xuất bình quân 11 tháng 2016 là 271,1 USD/tấn.
Riêng mặt hàng sắn trong tháng xuất 144,5 nghìn tấn, trị giá 24,9 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 19,8% về trị giá so với tháng 10, nâng lượng sắn xuất khẩu 11 tháng 2017 lên 1,4 triệu tấn, trị giá 248 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 1,7% về trị giá, giá xuất bình quân 170,5 USD/tấn, giảm 1,4% so với 11 tháng 2016.
Trung Quốc thị trường xuất khẩu chủ lực nhóm hàng này của Việt Nam, với vị trí địa lý gần và thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, lượng sắn xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm 89,5% đạt 3,1 triệu tấn, trị giá 805,5 triệu USD, tăng 7,95% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất bình quân giảm 4,2%, xuống còn 256,6 USD/tấn.
Thị trường xuất khẩu lớn sau Trung Quốc là Hàn Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên kim ngạch xuất sang hai thị trường này đều suy giảm cả lượng và trị giá, trong đó xuất sang Nhật Bản giảm mạnh nhất, giảm 19,7% về lượng và giảm 22,83% về trị giá, tương ứng với 65,8 nghìn tấn, trị giá 12 triệu USD.
Kế đến là thị trường Philippines, tăng 15,69% về lượng và tăng 2,22% về trị giá, đạt 46,5 nghìn tấn, trị giá 14,7 triệu USD.
Đặc biệt, trong 11 tháng 2017 Malaysia gia tăng nhập khẩu sắn và sản phẩm từ thị trường Việt Nam, tuy lượng nhập chỉ chiếm 1,3%, nhưng so với cùng kỳ 2016 tăng gấp hơn 1,2 lần.
Thị trường xuất khẩu ít nhất là Đài Loan (Trung Quốc), chỉ có 33,3 nghìn tấn, trị giá 11 triệu USD, so với cùng kỳ giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 0,77% và giảm 9,87%.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm 11 tháng 2017
Thị trường XK | 11 tháng 2017 | So sánh với 11 tháng 2016 (%) | ||
Lượng (Tấn) | Trị giá (USD) | Lượng | Trị giá | |
Tổng | 3.506.762 | 909.489.091 | 4,92 | 0,35 |
Trung Quốc | 3.138.686 | 805.530.378 | 7,95 | 3,40 |
Hàn Quốc | 75.307 | 17.123.003 | -15,88 | -21,20 |
Nhật Bản | 65.808 | 12.062.034 | -19,70 | -22,83 |
Philippines | 46.542 | 14.708.570 | 15,69 | 2,22 |
Malaysia | 45.649 | 14.626.374 | 23,23 | 14,40 |
Đài Loan (Trung Quốc) | 33.392 | 11.058.526 | -0,77 | -9,87 |
(tính toán số liệu từ TCHQ)
Nguồn: Chăn nuôi Việt Nam