Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang bắt đầu bộc lộ rất nhiều bất cập cần phải điều chỉnh và thay đổi kể từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như một cách nhìn lại mình để “lột xác” và phát triển. Nhiều chuyên gia mạnh dạn cho rằng, đã đến lúc phải giảm dần lúa gạo để đầu tư cho nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì sao?
Nông dân đang nuôi heo, gà bằng... ngoại tệ
Từ năm 2008 đến nay, hàng triệu nông dân và người chăn nuôi, chủ trang trại ở nước ta vẫn đang phải oằn lưng nuôi gia súc, gia cầm bằng nguồn thức ăn chăn nuôi ngoại nhập trong khi giá bán thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao, có nhiều thời điểm trở thành vấn đề nóng bỏng. Quả là nghịch lý khi cho đến nay, chăn nuôi vẫn đang là ngành “yếu kém” nhất khi sản phẩm xuất khẩu cũng như giá trị kim ngạch gần như không có, trong khi nông dân thì phải nuôi heo, gà, vịt... bằng ngoại tệ.
Một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhập ngoại ở tỉnh Hải Dương.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, riêng năm 2014, Việt Nam đã chi trên 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng bắp nhập khẩu về Việt Nam đã tăng kỷ lục với 3,27 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu là 744 triệu USD. Bộ NN-PTNT cũng cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam thu về 2,95 tỷ USD từ xuất khẩu gạo nhưng lại chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì, Việt Nam đã chi ra trên 4 tỷ USD.
Theo tính toán của Bộ Công thương, hiện nay giá bán thức ăn chăn nuôi cho người chăn nuôi đã “đội” lên rất cao vì phụ thuộc nhập ngoại. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, không thể chấp nhận việc giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn cả Thái Lan và luôn cao hơn các nước khác khoảng 15% - 20%, dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không cạnh tranh được.
Theo nhiều chuyên gia khoa học, Việt Nam đang có lợi thế sản xuất lúa gạo nhưng lại yếu kém về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo dự báo của Tập đoàn Bunge (Mỹ) - doanh nghiệp chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi - thì hàng năm nhu cầu nhập khẩu bắp của Việt Nam đã tăng lên 3,5 - 4 triệu tấn. Ngoài bắp, trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 950.000 tấn đậu tương với giá trị 438 triệu USD và theo dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới do thời tiết đang hạn hán.
Không thể lệ thuộc
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm, nhưng chúng ta luôn nhập tới 9-10 triệu tấn nguyên liệu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được phần ít ỏi còn lại. Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi luôn chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi của người nông dân. Do phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên chỉ cần thị trường ngoại tệ có chút biến động về tỷ giá USD là ngành chăn nuôi và thị trường thực phẩm trong nước lại như ngồi trên lửa. Hai thứ mà nông dân đáng sợ nhất đó là dịch bệnh xảy ra và thiếu thức ăn chăn nuôi trong nước, phải mua nguyên liệu ngoại nhập dẫn tới sản xuất khó khăn, phập phù.
Chưa kể tình trạng doanh nghiệp bắt tay làm giá trên lưng nông dân, đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao. Tại một hội thảo bàn về chính sách cho ngành chăn nuôi và quản lý doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch đã không ngại ngần lên tiếng: “Mặc dù doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nào cũng kêu lỗ, cần giảm thuế nhập khẩu và có chính sách hỗ trợ nhưng chủ doanh nghiệp nào cũng đi xe hơi 4-5 tỷ đồng, trong khi trên thực tế chỉ có người chăn nuôi là chịu thua thiệt vì giá thức ăn chăn nuôi cao”. Đồng thời, tại nhiều hội thảo liên quan, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng từng mạnh dạn đề nghị Nhà nước nên sớm có chính sách xem xét lại quy hoạch sản xuất thức ăn chăn nuôi, cân đối giữa diện tích sản xuất lúa như hiện nay và diện tích trồng bắp - nguồn nguyên liệu chính để làm thức ăn chăn nuôi, thậm chí thay vì xuất khẩu thì đem nguồn lúa gạo đó chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi, vì trên thực tế giá trị xuất khẩu lúa gạo không đủ chi cho nguồn ngoại tệ dùng để nhập thức ăn chăn nuôi về.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết thêm, những năm gần đây, ngành nông nghiệp buộc phải tăng cường siết lại quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhu cầu nhập khẩu gia tăng mạnh, theo đó các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nông sản kém chất lượng cũng ồ ạt tràn vào nội địa. Đối với bắp và khô dầu đậu tương, hiện nay các doanh nghiệp đang nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ, Brazil nhưng do cách thu hoạch và bảo quản tại Ấn Độ còn lạc hậu, thời gian để lâu nên khi đưa về Việt Nam, có những lô hàng cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện bắp, đậu tương đã nát mủn như mùn đất, không còn giá trị dinh dưỡng nữa. “Nếu không quản chặt, Việt Nam sẽ thành bãi rác của thức ăn chăn nuôi ngoại”, ông Nguyễn Xuân Dương lo ngại.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, giảm dần phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi ngoại, tăng cường năng lực chủ động nguyên liệu trong nước là giải pháp khả thi nhất để giúp bà con nông dân và doanh nghiệp, chủ trang trại giảm giá thành chăn nuôi, nâng cao sức cạnh tranh và tăng thêm lợi nhuận, đặc biệt là trong bối cảnh gia nhập TPP và tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT đề ra, mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 42% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu đó khó có thể đạt được nếu ngay từ bây giờ không kịp thời xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi một cách ổn định. Và giải pháp là phải bắt đầu từ sự mạnh dạn trong chính sách và quy hoạch lại.
Văn Phúc (Báo Sài Gòn Giải Phóng)