Hàng năm chúng ta vẫn ùn ùn nhập về 4 tỷ USD thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn so với Thái Lan từ 20- 30%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đặt nghi vấn có một nhóm đối tượng đang đi đêm, bắt tay thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi, khiến cho ngành chăn nuôi trong nước lao đao, ở thế mắc kẹt trong thời gian qua.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, thị trường sản phẩm chăn nuôi biến động không nhiều. Giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quý I, II năm 2015 đã giảm từ 2-4% so với cùng kỳ do chính sách không thu thuế VAT nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được áp dụng. Trong 5 tháng đầu năm 2015 sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước đạt gần 6,03 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhập khẩu tăng mạnh
Bình quân giá của hầu hết các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trong 5 tháng đầu năm 2015 đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Chẳng hạn như ngô hạt 5540 đồng/kg (giảm 15,45%), khô dầu đậu tương 10.200 đồng/kg (giảm 29,7%), cám gạo 6,276 đồng/kg (giảm 7,4%), sắn lát 4.620 đồng/kg (giảm 13,7%), lysine 35.000 đồng/kg (giảm 2,7%); chỉ có giá Methionine 147.000 đồng/kg và bột cá 31.000 đồng/kg là tăng lần lượt là 79,95% và 21% so với cùng kỳ.
Do giá nguyên liệu đầu vào giảm nên bình quân giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà Broiler 10.742 đồng/kg giảm 7,4%, giá thức ăn hỗn hợp cho thịt giai đoạn từ 60 kg đến xuất chuồng 9.556 đồng/kg, giảm 8,9%.
5 tháng đầu năm, tình hình nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu báo cáo của các đơn vị kiểm tra: tổng lượng các nguyên liệu nhập khẩu là trên 5,98 triệu tấn so với 5,1 triệu tấn (tăng 17,29%); giá trị nhập khẩu 2,31 tỷ USD so với 2,02 tỷ USD (tăng 14,52%).
Trong đó nhóm thức ăn giàu đạm chiếm trên 2,44 triệu tấn, giá trị đạt trên 1,3 triệu USD lần lượt tăng 19,21% về lượng và 26,66% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014; nhóm thức ăn giàu năng lượng chiếm trên 3,36 triệu tấn trị giá 772,1 triệu USD lần lượt tăng 16,56% về lượng và 6,59% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014. Thức ăn bổ sung và các loại khác chiếm 177,56 ngàn tấn, kim ngạch nhập khẩu trên 229,12 triệu USD tăng 7,45% về lượng nhưng giảm 11,63% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014.
Có một nhóm đối tượng đang đi đêm, bắt tay thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi?
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết điều đáng buồn là thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn luôn cao hơn so với Thái Lan từ 20-30%.Chúng ta kêu gọi phát triển khoa học công nghệ nhưng sản phẩm khoa học công nghệ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở đâu chưa thấy có doanh nghiệp, đơn vị nào công bố công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi premix (thức ăn bổ sung), chưa có thức ăn cho lợn con, trong khi giá bán sản phẩm này tới 25.000 đồng/kg. Khoa học công nghệ của ta cứ nghiên cứu cái đâu đâu, cái cần cho thị trường không thấy.
Không nhìn đâu xa, ngay nước cận kề là Trung Quốc đầu tư khoa học công nghệ rất tốt, họ công bố tới 700 công thức sản xuất Premix, 700 công thức thức ăn đậm đặc, 700 công thức cho thức ăn lợn con còn ta chẳng có gì. Đầu tư cho khoa học công nghệ rất nhiều tiền nhưng nhiều khi đề tài đó chưa biết có nghiệm thu được không, đây là sự lãng phí, thiếu hiệu quả. Năm ngoái, Việt Nam nhập hơn 4 tỷ USD thức ăn chăn nuôi (trong đó hơn 1 tỷ USD loại Premix).
Xử lý nếu độc quyền
Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm thức ăn chăn nuôi bị phân phối qua nhiều khâu trung gian khiến giá bị đội lên cao, nông dân là người chịu thiệt. Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dẫn chứng, hiện 1 kg thức ăn cho tôm được bán tại nhà máy với giá 28.000 đồng/kg nhưng đến tay người chăn nuôi con số này là 33.000 đồng/kg. Như vậy mỗi kg thức ăn, giá đã bị đội lên 5.000 đồng, mức giá trị chênh lệch này người bán hàng được hưởng. Với kết cấu giá thành cho mỗi kg tôm, thức ăn chiếm tỷ lệ 45-55% tổng giá thành. Như vậy, mỗi kg thức ăn, giá thành sản phẩm đã bị tăng lên 10% cũng chỉ vì bất cập trong phân phối.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Quốc Ân, hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) thừa nhận, thức ăn mà các hộ cá thể phải mua từ các đại lý cấp 2 chủ yếu là thức ăn thương mại, không chọn lọc, giá lại đắt hơn so với mua từ hợp tác xã. Chẳng hạn, một bao cám tập ăn trọng lượng 25kg cho lợn con cùng chủng loại, hợp tác xã bán cho xã viên 422.000 đồng/bao, nhưng cũng loại thức ăn đó, người chăn nuôi mua qua đại lý phải trả 450.000 đồng nếu trả ngay, còn trả chậm sẽ bị tính lên 460.000 đồng/bao. Vậy mỗi bao cám người chăn nuôi phải chịu chênh lệch 28.000 - 38.000 đồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, chúng ta không thể “băm bèo nấu cám” cho lợn như mấy chục năm trước. Việt Nam có ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, sản xuất đáp ứng 70% nhu cầu, nhưng sao chăn nuôi của ta lại kém?
Có người phàn nàn với tôi tại sao ngành thức ăn chăn nuôi hàng năm cứ phải nhập nhiều đỗ tương thế sao mình không giảm lúa để trồng đỗ tương đỡ phải nhập khẩu. Tôi cho rằng, thời hội nhập cái gì chúng ta làm tốt thì phát huy lợi thế, các nước khác làm tốt hơn ta thì ta nhập khẩu của họ là chuyện bình thường. Còn câu chuyện đỗ tương thì nếu chúng ta có trồng giá cũng sẽ đắt hơn so với nhập của Mỹ La Tinh rất nhiều trong khi lợi thế của ta là trồng lúa. Nếu cứ tư duy theo kiểu đóng cửa lại, không nhập đỗ tương mà tự trồng thì tự chúng ta sẽ giết chết ngành chăn nuôi trong nước.
Bộ trưởng cho rằng vấn đề của thức ăn chăn nuôi cần xử lý ở chỗ đi tìm căn nguyên tại sao giá thức ăn chăn nuôi của ta lại cao hơn Thái Lan từ 20-30%. Quy luật thị trường chỗ nào giá cao, chỗ giá rẻ sẽ tràn vào và kéo thấp xuống. Thái Lan, Trung Quốc cũng nhập ngô và đậu tương như chúng ta, tại sao cám của ta đắt hơn, chất lượng thấp hơn. Như vậy, có ai đó đang cản trở hàng hóa lưu thông trên thị trường, chúng ta cần rà soát lại.
Tôi có nhận được thông tin cho rằng có nhóm độc quyền, một vài công ty đi đêm, bắt tay nhau thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi. Tôi đã cử cán bộ đi nghiên cứu, tìm hiểu nhưng báo cáo không phát hiện ra. Tôi đề nghị các địa phương, nếu thấy dấu hiệu nhóm độc quyền, phải kiểm tra, báo cáo xử lý. Chúng ta chống khi lợi ích của nhóm đó trái với lợi ích của quốc gia, dân tộc, không thể để tình trạng một nhóm bóc lột hàng triệu người. Giá thức ăn chăn nuôi cao, thì ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn, tăng trưởng chậm lại. Chính vì vậy cần đấu tranh chống độc quyền.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT):
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các quy định mới nhất, Cục Chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, phát hiện tình trạng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, một số lô hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ có hàm lượng rất thấp so với công bố. Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng thức ăn chăn nuôi đã không đúng như công bố, doanh nghiệp đưa ra hàm lượng trên bao bì một số chất dinh dưỡng lên tới 90% nhưng thực tế chỉ có dưới 6% hoặc thậm chí là không hề có % chất dinh dưỡng nào.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi:
Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang lép vế trước doanh nghiệp nước ngoài. Cả nước có hơn 58 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thức ăn chăn nuôi với hơn 200 nhà máy, trong đó doanh nghiệp nước ngoài chiếm 1/3 số nhà máy nhưng thị phần lại chiếm tới 65 - 70%. Các tên tuổi đang thống lĩnh ngành công nghiệp TACN Việt Nam có thể kể C.P Group (Thái Lan), Cargill (Mỹ), New Hope (Trung Quốc), Emivest (Malaysia)...Doanh nghiệp trong nước hoạt động èo uột, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vì họ chi rất mạnh tay chi hoa hồng, thưởng doanh số cho đại lý, nông dân. Chính vì chi hoa hồng nhiều cấp đại lý nên nông dân phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao.
Ông Hà Văn Minh, Tổng giám đốc Gold Coin Việt Nam:
Doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là những chất phụ gia như khô đậu tương, đạm… vì sản lượng và chất lượng của nguyên liệu trong nước không đồng đều, do giống, quy trình trồng, chế biến bảo quản của nông dân không đạt tiêu chuẩn. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước thường nhanh bị hỏng do bảo quản kém, chẳng hạn như ngô của Việt Nam chỉ có thể để trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, các nhà máy có công suất lớn thường có nhu cầu nhập nhiều nguyên liệu, tích trữ trong thời gian vài tháng để ổn định sản xuất.Tự chủ được nguyên liệu sẽ giúp doanh nghiệp đỡ phải tốn thêm chi phí vận chuyển, nhập khẩu. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Thu Hường (Thời báo kinh doanh)