Chăn nuôi lợn: Thay đổi để thích ứng - Ngành Chăn nuôi thú y Việt Nam

Latest

Thông tin Chăn nuôi - Thú y Chia sẻ kinh nghiệm Bệnh dịch gia súc Chăn nuôi sạch Giá cả thị trường Giá heo hơi hôm nay Dịch tả châu phi

CẦN TÌM ĐỐI TÁC - TÀI TRỢ: 0775.895.369

Tải ứng dụng CSXN để đọc bài nhanh hơn! => Tại đây

Quảng cáo và tài trợ

loading...

10/9/19

Chăn nuôi lợn: Thay đổi để thích ứng

Thời điểm này, số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giảm rõ rệt, đã có hơn 150 xã, phường, thị trấn qua 30 ngày không có lợn chết vì dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi lợn đã rục rịch tái đàn. Để chăn nuôi hiệu quả, buộc các hộ phải chuyển đổi phương thức, thói quen chăn nuôi.

Liên kết vượt qua dịch bệnh

Mấy năm gần đây, hình thức chăn nuôi lợn tại Bắc Giang đã có sự chuyển đổi khá rõ từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang với hơn 350 trang trại, có trang trại số đầu lợn lên đến hàng nghìn con/lứa.

Ông Nguyễn Ngọc Hải (bên trái), Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa) giới thiệu cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Năm 2014, hộ anh Nguyễn Văn Vích và Nguyễn Văn Chuyết, thôn Khánh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) chuyển nghề sang chăn nuôi lợn. Do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, lơ là kiểm soát dịch bệnh lại gặp thời điểm giá lợn xuống thấp nên năm 2016, các anh bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
 
Trong lúc khó khăn, hai anh mạnh dạn tham gia HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa); đồng thời chung vốn hơn 450 triệu đồng xây dựng gần 1 nghìn m2 chuồng trại, 3 hầm chứa biogas lớn và hệ thống bể tràn chứa chất thải chăn nuôi.

Anh Chuyết chia sẻ, vào HTX các hộ được đầu tư lợn giống, cám và hướng dẫn chăm sóc thú y, bao tiêu toàn bộ lợn thương phẩm với điều kiện phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về an toàn dịch bệnh, được cấp chứng nhận “Cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB)”. Nhờ đó, trong suốt thời gian bệnh DTLCP bùng phát, đàn lợn trong trang trại của hai anh cũng như các thành viên HTX được bảo vệ và liên tục tái đàn hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh cho biết, HTX hiện có 7 thành viên, tổng đàn lợn gần 4,5 nghìn con, trong đó có 350 lợn nái. Trong HTX có những hộ chuyên nuôi lợn nái sinh sản cung cấp con giống cho các thành viên, còn lại nuôi lợn thương phẩm. Để tạo nguồn thức ăn ổn định, tăng sức đề kháng cho lợn, HTX đã tự sản xuất cám cung cấp cho thành viên với các thành phần dinh dưỡng riêng.
 
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Quan điểm chỉ đạo của ngành nông nghiệp là các trang trại, cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện ATSH mới được tái đàn. Không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi hở tái đàn bởi nhiều địa phương đã qua 30 ngày không có lợn mắc bệnh DTLCP nhưng nay đã tái phát trở lại”.

Ngoài ra, HTX còn cung cấp chế phẩm sinh học để khử mùi hôi từ chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhằm ổn định đầu ra, HTX duy trì một lò mổ công suất 50 con/ngày đêm (hiện lò mổ giết thịt 30 con/ngày), hợp đồng cung cấp thịt lợn cho Công ty Hương Việt Sinh tại Hà Nội và 5 cửa hàng bán lẻ thịt lợn tại Hiệp Hòa, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi theo kiểu hợp đồng gia công với các công ty lớn như CP, Dabaco… Các công ty đều đề ra những biện pháp chăn nuôi nghiêm ngặt như: Chuồng trại phải cách xa khu dân cư, được bảo vệ phòng dịch bệnh nhiều lớp, hạn chế người lạ và phương tiện ra vào trại… Do đó tỷ lệ lợn mắc dịch bệnh rất thấp, ít bị rủi ro.

Chuyển đổi phương thức chăn nuôi

Tuy vậy, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến tại Bắc Giang hiện nay với hơn 63 nghìn hộ (tính ở thời điểm cuối tháng 4-2019). Các hộ nuôi nhỏ lẻ thường xây chuồng trại ngay tại khuôn viên gia đình, số lợn ít, việc đầu tư cho chăn nuôi lợn không nhiều và thường tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi. Việc vệ sinh phòng dịch cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Chăn nuôi lợn: Thay đổi để thích ứng
Chăm sóc đàn lợn tại gia đình anh Nguyễn Văn Chuyết, thôn Khánh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa).

Do vốn đầu tư thấp nên khi có dịch bệnh, đa phần các hộ có tâm lý bán tháo hoặc bỏ mặc đàn lợn. Mật độ chăn nuôi dày đặc cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Tuy nhiên, để các hộ từ bỏ thói quen, hạn chế chăn nuôi nông hộ không thể đạt được trong một sớm một chiều. Ngay thời điểm này, mặc dù tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo các hộ dân không tái đàn khi chưa đủ điều kiện chăn nuôi ATDB nhưng thực tế vẫn có không ít hộ vẫn vào đàn.
 
Theo ông Lương Đức Kiên, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để chăn nuôi lợn phát triển hiệu quả, các hộ phải bỏ tư duy được ăn, thua bỏ; đầu tư nâng cấp chuồng trại. Nếu chăn nuôi trong khu dân cư phải bảo đảm an toàn sinh học tối thiểu như phát quang cây cối, bụi rậm, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, có hầm biogas. Kiểm soát, xử lý nhiệt nguồn thức ăn trước khi đưa vào khu chăn nuôi.

Đặc biệt, các hộ cần liên kết với nhau để cùng chia sẻ thông tin dịch bệnh, thị trường và thực hiện các quy ước trong bảo vệ đàn vật nuôi; cùng nhau hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi từ nhà máy, không qua đại lý nhằm giảm chi phí vận chuyển. Đồng thời tạo thành vùng chăn nuôi tập trung, thuận tiện khi xuất bán lợn cũng như quản lý dịch bệnh… “Các chủ hộ phải mua giống ở những cơ sở uy tín, có bảo hành. Trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly tối thiểu 21 ngày”, ông Kiên nói.

Được biết, từ 1-1-2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực, các hộ nuôi từ một con lợn trở lên cũng phải kê khai, đăng ký chăn nuôi với UBND cấp xã. Các trang trại lớn phải được thẩm định đủ tiêu chuẩn an toàn sinh học mới được cấp phép chăn nuôi. Trang trại thành lập mới phải được thẩm định các điều kiện trước khi cấp phép hoạt động.

Cùng với thay đổi tư duy và thói quen trong chăn nuôi để thích ứng với những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh, việc thực hiện nghiêm Luật là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm cho chăn nuôi lợn phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao.

Thế Đại
Nguồn: Báo Bắc Giang