Giá heo tại Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, có thời điểm phá vỡ kỉ lục thiết lập năm 2016 do chịu tác động của dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung thiếu hụt.
Giá thịt heo tăng mạnh do thiếu nguồn cung
Theo CNBC, giá thịt heo của Trung Quốc trong tháng 8 tăng gần 46,7% so với cùng kì năm ngoái do nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đây là hệ quả của sự bùng phát dịch tả heo châu Phi khiến hàng triệu con heo đã bị tiêu hủy, tương đương khoảng 50% lượng heo của Trung Quốc.
Trước đó, tháng 7, giá heo cũng tăng mạnh tới 27% so với cùng kì năm ngoái. Giá các mặt hàng thịt khác của Trung Quốc như thịt bò, thịt gà, thịt cừu cũng tăng 11,6 – 12,5%.
Diễn biến giá heo Trung Quốc giai đoạn 1/2018 – 8/2019. Nguồn: Financial Times
Theo trang Financial Review, thịt heo là món ăn yêu thích của người dân Trung Quốc. Trung bình mỗi mỗi năm, lượng tiêu thụ thịt heo tính trên đầu người của quốc gia này hơn 54 kg/người. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 50% lượng thịt heo trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, mùa lễ hội cũng đang đến gần và điển hình nhất là dịp Trung Thu diễn ra vào thứ Sáu tuần này (13/9), đồng nghĩa nhu cầu thịt heo cũng tăng cao và các cơ quan chức năng càng lo ngại hơn về tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo.
Phát biểu vào cuối tháng 8, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa khẳng định: “Chúng tôi sẽ đảm bảo có đủ nguồn cung thịt heo bằng mọi cách”.
Đồng thời ông cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu thịt heo ở Trung Quốc là “cực kì nghiêm trọng” trong quí cuối cùng của năm nay và nửa đầu năm 2020.
Để giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung ông Hồ Xuân Hoa tuyên bố Chính phủ sẽ sử dụng nguồn thịt động lạnh dự trữ. Điều này cũng tương tự với việc Chính phủ dự trữ dầu và sẽ “xả kho” ở thời điểm cần thiết.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2018, Trung Quốc sản xuất 54 triệu tấn thịt heo, tuy nhiên, con số này trong năm 2019 được dự đoán chỉ còn 40 triệu tấn. Thậm chí, ngân hàng Rabobank dự báo năm 2020, Trung Quốc sẽ chỉ sản xuất được 34 triệu tấn thịt heo.
Giá thịt heo tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán đồ ăn của nhiều hộ kinh doanh.
Bà Yu, một người bán đồ ăn đường phố cho biết: “Giá thịt heo tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán của tôi. Lượng khách hàng giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái. Giá thịt heo quá đắt đến mức nhiều người không có khả năng mua”.
Trong tháng 7, có thời điểm giá thịt heo đã phá vỡ kỉ lục thiết lập vào năm 2016 khi đạt 2,25 USD/pound (tương đương khoảng hơn 115.000 đồng/kg).
Bà Shang Jinsheng, một cán bộ hưu trí cho biết bà chỉ dám mua một nửa lượng thịt heo mà trước đây vẫn thường mua, thay vào đó tăng cường chi tiêu cho các mặt hàng thủy sản.
“Trước đây, tôi thường mua thịt heo mỗi tuần. Nhưng hiện tại, đã ba tuần rồi tôi chưa mua một miếng thịt heo nào”, bà Shang Jinsheng cho biết.
Lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc tăng tới 150%
Theo Financial Review, nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt, lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay được dự báo tăng gấp 3 lần so với năm 2018.
Tính riêng trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu heo của nước này tăng 150% so với tháng 8/2018 lên 350 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc tăng 66% so với cùng kì năm ngoái.
Lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh. Nguồn: Financial Times tổng hợp từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc
Trung Quốc đã áp thuế 72% đối với thịt heo nhập khẩu từ Mỹ do căng thẳng thương mại. Do đó, nước này phải chuyển sang nhập khẩu từ châu Âu và các nước Mỹ Latinh.
Lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil và châu Âu đang tăng mạnh nhằm “lấp đầy” 10 triệu tấn nguồn cung thiếu hụt trong năm nay.
Ông Ricardo Santin, Giám đốc Hiệp hội chăn nuôi Brazil cho rằng: “Triển vọng bán hàng sang Trung Quốc tích cực đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là với Brazil”.
Ông Gilberto Tomazoni, giám đốc công ty JBS – một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Brazil, cho biết doanh số bán hàng sang Trung Quốc trong quí III tăng 70 – 80% so với quí II.
Bắc Kinh đã chấp thuận thịt heo nhập khẩu từ rất nhiều nhà cung cấp từ Ireland. Điều này đã giúp Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lớn lớn hai của Ireland sau Anh.
Tháng trước, nhằm nâng cao sản lượng thịt heo nội địa, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã lên tiếng cần phải có nhiều hỗ trợ về tài chính và nới lỏng quy định về môi trường vốn đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi phải đóng cửa trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, Trung Quốc sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể khôi phục lại sản xuất giống như giai đoạn chưa bùng phát dịch bệnh.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo sản xuất heo của Trung Quốc khó lòng quay trở lại thời kì tăng trưởng từ nay đến giữa năm 2021.
Đức Quỳnh (theo Kinh tế & TD)
Nguồn: VietnamBiz