Cuộc khủng hoảng thịt lợn đã khiến chính quyền các tỉnh Trung Quốc gấp rút đưa ra các giải pháp. Một số địa phương phát tem phiếu mua thịt lợn giá rẻ cho dân như thời bao cấp.
Một trong các nguyên nhân là dịch tả lợn châu Phi khiến Trung Quốc phải tiêu hủy 100 triệu con lợn hồi năm 2018, đẩy giá thịt lợn tăng lên 50%. Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thừa nhận nguồn cung thịt lợn nước này sẽ đối mặt với sức ép cực lớn trong quý cuối của năm 2019 và nửa đầu năm 2020.Phát tem phiếu mua thịt giá chiết khấu
Chính quyền Trung Quốc đang tiến hành một loạt các động thái nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm thịt lợn và giá cả leo thang hiện nay.
Mới đây, ít nhất 4 tỉnh thành ở Trung Quốc đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh để ổn định thị trường, đặc biệt trong thời điểm tiêu thụ tăng mạnh trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc đầu tháng tới. Kho thịt này vốn được chính phủ Trung Quốc dự trữ như một quỹ bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi cần.
Tại một khu đô thị phía nam của Quảng Châu, chính quyền đang bán 17,6 tấn thịt lợn đông lạnh trong tháng này cho các siêu thị, trường học và nhà hàng, với giá thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Một số địa phương, thậm chí, đã áp dụng phát hành tem phiếu chiết khấu để hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá thịt leo thang.
Phiếu chiết khấu thịt tại Nam Ninh. Ảnh: Weibo.
Tại Nam Ninh, thủ phủ của vùng Tây Nam Quảng Tây, chính quyền đã phát hành tem phiếu mua thịt với giá chiết khấu cho người dân. Mỗi người chỉ được mua giới hạn 1 kg thịt mỗi ngày tại 10 nơi bán thí điểm.
Tem phiếu giảm giá này cũng tồn tại ở một vài thành phố phía Nam của tỉnh Phúc Kiến. Hệ thống tem phiếu này được dự kiến duy trì đến cuối năm do nhu cầu cao điểm. Cũng tại Phúc Kiến, chính quyền Lệ Thành của thành phố Phủ Điền cũng cung cấp cho người dân khoản trợ cấp 4 nhân dân tệ mỗi kg cho việc mua thịt heo. Mỗi người được mua 2 kg.
Từ đầu tháng 8, người dân ở Hạ Môn, một thành phố khác ở Phúc Kiến, cũng có tem phiếu, với mức giới hạn cao hơn, 2,5 kg thịt mỗi ngày.
Theo South China Morning Post, thông tin về việc phát hành phiếu chiết khấu của chính quyền một số địa phương tại Trung Quốc khiến nhiều người lo lắng về việc trở lại của chế độ tem phiếu thời bao cấp, kéo dài từ những năm 1950 tới cuối những năm 1980, 1990.
Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thịt lợn . Ảnh: EPA
Tìm cách đa dạng nguồn cung
Thịt lợn vẫn là loại thực phẩm truyền thống và phổ biến nhất với đại đa số người dân Trung Quốc. Do đó từ lâu, khả năng chi trả của người dân với loại thịt này được coi là chỉ số hạnh phúc của người dân.
Nhà phân tích Feng Yonghui thuộc trang Soozhu tiết lộ chính quyền Trung Quốc đang tìm kiếm thêm nhiều nguồn thịt lợn nhập khẩu do nguồn cung trong nước đang sụt giảm nghiêm trọng.
South China Morning Post cho hay hồi đầu tuần trước chính quyền Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Đan Mạch và Brazil.
Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết số lượng cơ sở chế biến nước này được cấp giấy phép xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc đã tăng từ 64 lên 89.
Bộ trưởng Thực phẩm Đan Mạch Mogens Jensen đã đến Bắc Kinh để thảo luận biện pháp tăng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc leo thang chóng mặt từ đầu năm. Ảnh: Bộ nông nghiệp Trung Quốc.
Hôm 16/9, chính quyền nước này còn thông báo sẽ trợ cấp tới 5 triệu NDT (khoảng 700.000 USD) cho người dân cho tới cuối năm 2020 nhằm tu bổ các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, các khoản vay ưu đãi và trợ cấp khác bằng tiền sẽ tiếp tục giúp nông dân phát triển cơ sở chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao.
Tại tỉnh Hắc Long Giang, chính quyền địa phương hồi tháng trước còn phát động chương trình khuyến khích phụ nữ nông thôn chăn nuôi lợn.
An Chi (zing)