Tin chăn nuôi: Sóng nhập khẩu tấn công nông dân Việt Nam. - Ngành Chăn nuôi thú y Việt Nam

Latest

Thông tin Chăn nuôi - Thú y Chia sẻ kinh nghiệm Bệnh dịch gia súc Chăn nuôi sạch Giá cả thị trường Giá heo hơi hôm nay Dịch tả châu phi

CẦN TÌM ĐỐI TÁC - TÀI TRỢ: 0775.895.369

Tải ứng dụng CSXN để đọc bài nhanh hơn! => Tại đây

Quảng cáo và tài trợ

loading...

17/9/19

Tin chăn nuôi: Sóng nhập khẩu tấn công nông dân Việt Nam.

(Người Chăn Nuôi) - Ước tính, trong 8 tháng đầu năm 2019, lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, song các chuyên gia đều dự báo cuối năm lượng thịt nhập khẩu còn cao hơn do nhu cầu tiêu thụ dịp Tết. Trước tình hình nhập siêu nghiêm trọng, địa phương và doanh nghiệp đang tích cực ổn định thị trường và tăng nguồn cung.


Dịch bệnh ảnh hưởng


Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 7/2019, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn. Tuy vậy tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF) diễn biến phức tạp. Tính đến đầu tháng 9, ASF đã xảy ra tại hơn 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thịt heo trở nên khan hiếm đắt đỏ, thương lái lùng mua. Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt heo. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ trứng gà tăng mạnh”.

Tính đến tháng 7, đàn trâu cả nước giảm 3% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,6%; đàn gia cầm tăng 7,9%; đàn heo giảm 16%.

Thịt heo khan hiếm

Giá thịt heo hơi trên cả nước vẫn tăng do nguồn cung thịt heo khan hiếm, hiện giá heo hơi dao động từ 35.000 - 47.000 đồng/kg. Bộ NN&PTNT cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt heo, tương đương 20% nhu cầu. Lượng heo bị tiêu hủy do nhiễm ASF đã lên tới hơn 3 triệu con.

Để tạo sự bình ổn của thị trường, TP Hồ Chí Minh đã “có các biện pháp khác nhau giảm phụ thuộc vào nguồn thịt heo trong nước”, trong đó có 2 giải pháp là tăng thịt heo nhập khẩu đồng thời tìm nguồn cung sản phẩm thay thế.

Theo thống kê của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt heo, tăng về lượng gần 4.800 tấn (tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2018), tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018. Sản phẩm chăn nuôi vốn là nhóm ngành có cán cân thương mại nhập siêu, song năm 2019 ghi nhận tình trạng nhập siêu quá cao, chỉ tính riêng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019 vượt khoảng 960 triệu USD so với giá trị xuất khẩu, tăng 23,5% so với thâm hụt thương mại cùng kỳ năm 2018.

Gà ngoại “tấn công”

Thịt gà được xem là sản phẩm thay thế thịt heo, song để tăng sản lượng trong thời gian ngắn là việc không dễ dàng. Bởi vậy, việc nhập khẩu thịt gà cũng trở nên phổ biến.

Thực tế, sản lượng gia cầm nhập khẩu tăng trong những năm gần đây, chỉ tính riêng năm 2018, nhập khẩu thịt gà các loại đạt trên 128.000 tấn, trị giá 116 triệu USD. Nay trong bối cảnh thị trường thịt cầu lớn hơn cung, việc gà ngoại có dấu hiệu “lấn lướt” là điều dễ hiểu.



Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong vòng nửa đầu năm 2019, lượng thịt gà nhập khẩu lên tới 142.190 tấn, với giá trị 120 triệu USD, chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil và Nga.

Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào Việt Nam, với hơn 62.400 tấn, trị giá 48,6 triệu USD. Giá thịt gà nhập từ Mỹ gồm cánh, đùi, chân và gà xay có giá trung bình chỉ khoảng 17.000 - 23.000 đồng/kg.

Chăn nuôi theo hướng hiện đại

Tháng 6/2019, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (2019 - 2024) đã xác định phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, giàu tính cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và hướng về mục tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiệp hội phấn đấu trong nhiệm kỳ IV sản xuất, kinh doanh của các hội viên tăng khoảng 10%/năm trên các tiêu chí như tổng đàn, doanh thu và lợi nhuận. Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế.

Mới đây, có mặt tại TP Hồ Chí Minh khai trương Văn phòng Hiệp hội phía Nam, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Tình hình dịch bệnh dịch tả còn kéo dài một vài năm khiến nguồn cung thực phẩm trong nước thiếu hụt. Chăn nuôi gia cầm được xem là tạo ra sản phẩm thay thế thịt heo hiệu quả. Song cần phải xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, sạch bệnh. Đặc biệt chúng tôi chú ý đến việc cung cấp trứng sạch, thịt sạch cho các trường học”.

TS. Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, việc sớm tăng sản lượng thịt heo là không khả thi. Nhiệm vụ chính hiện vẫn là dập dịch và ngăn không cho dịch bùng phát ở các thành phố lớn. Dự báo cuối năm 2019, giá thịt heo sẽ tăng cao.

ASF cũng là một dịp để ngành chăn nuôi nhìn nhận, đánh giá năng lực của ngành. Rõ ràng, việc dịch bệnh lây lan nhanh chóng đã bộc lộ những kẽ hở trong công tác kiểm dịch và dập dịch.

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, cần hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng tăng năng suất. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mới đây đã phát biểu rằng, ngành chăn nuôi Nhật Bản hiện có năng suất gấp 3,5 lần Việt Nam. Việc tăng năng suất sẽ giúp ngành chăn nuôi giảm giá thành, tăng lợi nhuận, từ đó người nuôi mới có điều kiện để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

>> Tình hình chăn nuôi gặp khó khăn phản ánh qua việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN. Trong 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam chỉ chi hơn 2,2 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn: nguoichannuoi.vn