Ngành công nghiệp thực phẩm châu Á đang tăng trưởng phi mã. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững lại là câu chuyện không đơn giản.
Bất chấp sự suy giảm trong hầu hết các lĩnh vực do tác động từ chiến tranh thương mại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm lại chứng kiến sự tăng trưởng đột phá trên phạm vi toàn cầu, khi tăng trưởng đã chạm ngưỡng 40% kể từ năm 2000.
Bùng nổ tại châu Á
Đóng góp hơn một nửa trong số đó là mức tiêu thụ của người tiêu dùng châu Á. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiêu thụ 360 triệu tấn thực phẩm vào năm 2025, so với mức 171 triệu tấn vào năm 2000.
Trong vòng 30 năm qua, nhu cầu thực phẩm bùng nổ đã thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các công ty chăn nuôi, và tạo ra một ngành công nghiệp có giá trị lên tới gần 517 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp thực phẩm, lại là một mặt trái khác, đó chính là sự bùng nổ các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như các yếu tố môi trường liên quan.
Là châu lục có nhu cầu thực phẩm lớn nhất thế giới, nhưng các công ty tại châu Á lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề tăng trưởng nóng, chẳng hạn như khí thải nhà kính, nạn phá rừng, khan hiếm nước ngọt…
Và đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nên quan tâm và thúc đẩy hành động, nhằm hướng tới phát triển bền vững, thay vì các hô hào khẩu hiệu suông - vì lợi ích của chính họ và của cả thế giới.
Sự tăng trưởng nóng đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tại châu Á là kết quả của nhiều xu hướng, từ dân số tăng nhanh, đến tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tận hưởng cuộc sống ở mức tối đa, hay chế độ ăn giàu protein.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chính phủ khuyến nghị người dân nên tiêu thụ gấp ba lượng các chế phẩm từ sữa so với nhu cầu hiện tại, trong vòng 50 năm gần đây, trung bình mỗi năm, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 30kg các chế phẩm từ sữa.
Để có thể đáp ứng nhu cầu bùng nổ này, đòi hỏi các nhà sản xuất phải định hướng lại một hệ thống chăn nuôi, ưu tiên các giống vật nuôi phát triển nhanh, nhưng vẫn phải đảm bảo sự bền vững.
Chỉ số nhà sản xuất protein Coller FAIRR đánh giá 60 doanh nghiệp sản xuất protein từ động vật hàng đầu thế giới, xét theo chín tiêu chí phát triển bền vững. Trong số 60 công ty có 28 nhà sản xuất thịt, cá và sữa đến từ châu Á với tổng vốn hóa thị trường là 190 tỷ USD.
Những công ty này chiếm 26% thị trường protein châu Á. Trung bình, các công ty tại đây chỉ đạt 17% điểm thành phần xét theo các tiêu chí của FAIRR. Thậm chí, nhiều điểm thành phần như khí thải nhà kính, nạn phá rừng, khan hiếm nước hay quản lý dư lượng kháng sinh lại chỉ ở mức trung bình thấp.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng châu Á là an toàn thực phẩm, nhưng trong chỉ số của FAIRR, chỉ có 57% các công ty châu Á đáp ứng được theo các tiêu chuẩn được công nhận bởi Sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu GFSI.
Mặc dù đây được xem là một dấu hiệu tốt về các tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm quốc tế, nhưng lại quá ít doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong châu lục đáp ứng được..
Việc lạm dụng kháng sinh trong chế biến và chăn nuôi đã được WHO mô tả là một trong những mối đe dọa toàn cầu cấp bách nhất đối với sức khỏe cộng đồng, và đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc - nơi thường xuyên sử dụng kháng sinh vượt ngưỡng trong chăn nuôi.
Mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những quy định trong việc hạn chế sử dụng kháng sinh, chẳng hạn Ấn Độ cấm colistin - một loại kháng sinh thường bị lạm dụng trong chăn nuôi, thế nhưng điều đáng báo động là hơn một nửa các công ty châu Á lại không quan tâm đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, 82% các công ty châu Á, với nhiều khả năng là đơn vị nhập khẩu và tiêu thụ đậu nành lớn nhất từ Brazil, lại không quan tâm tới nạn phá rừng đang xảy ra hết sức nghiêm trọng tại Nam Mỹ. Trong số các doanh nghiệp này, có tới chín tập đoàn sản xuất thịt lợn đến từ Trung Quốc.
Nếu như các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Á có kỹ năng quản lý rủi ro môi trường, xã hội và cũng như quan điểm về phát triển bền vững tốt hơn, thì họ sẽ quản lý tốt hơn các khoản đầu tư, và không gián tiếp tạo ra những tác động tiêu cực tới môi trường.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, trên toàn cầu, ngành chăn nuôi thải ra gần 15% lượng khí thải nhà kính. Bên cạnh đó, ngành này cũng là nơi sử dụng tài nguyên nước ngọt lớn nhất, là nguyên nhân lớn nhất của nạn phá rừng trong các khu vực sinh thái quan trọng, và cũng là khu vực sử dụng kháng sinh y tế một cách không thể kiểm soát.
Trong khi đó, quy mô của toàn ngành lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi các đại dịch động vật như dịch tả lợn châu Phi (ASF), và cũng chính ngành này lại chịu các tác động ngày càng một rõ rệt của các yếu tố biến đổi khí hậu.
Chính điều này tạo ra rủi ro về mặt tài chính đối với các công ty, các nhà đầu tư và của chính nền kinh tế toàn cầu. Hẳn thế giới chưa quên, sự bùng nổ của đại dịch cúm gia cầm H7N9 năm 2013 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại ước tính trị giá khoảng 6,5 tỷ USD, hay đại dịch ASF đã làm bốc hơi 10% giá trị cổ phiếu của Tập đoàn sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới WH Group.
Những hậu quả tiêu cực về môi trường này, với tất cả các tác động của chúng đối với loài người, một câu hỏi được đặt ra là liệu một ngày nào đó thịt, sữa và cá có thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm ở quy mô đủ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của toàn thế giới hay không?.
Cần xu hướng mới
Sự tăng trưởng ngoạn mục của hai ông lớn trong ngành thực phẩm là Công ty Beyond Meat và Impossible Burger đã ghi dấu ấn trên thị trường toàn cầu. Và một trong những điểm đáng chú ý của hai công ty này là các chuyên gia của họ đã nghiên cứu và chỉ ra rằng họ có thể tái tạo ra những loại thực phẩm mới mang hương vị, kết cấu của protein động vật, dựa trên các protein thực vật.
Mặc dù chưa có những công bố về việc liệu các công ty này có sử dụng các loại thực vật biến đổi gen hay không, nhưng rõ ràng với thực tế hiện nay về nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của thế giới, thì những nghiên cứu về việc thay thế protein động vật bằng nguồn protein thực vật rõ ràng là một bước đột phá.
Đây cũng chính là lý do tại sao ngày càng có nhiều trang trại ở Mỹ và Brazil đã tuyên bố sẽ đầu tư vào việc xây dựng các nguồn protein thay thế.
Không thể đứng ngoài dòng chảy đó, có lẽ các nhà sản xuất châu Á nên tìm hiểu xem xu hướng phát triển này ảnh hưởng đến họ như thế nào và liệu các doanh nghiệp này có cơ hội đầu tư và phát triển ra sao.
Tuy nhiên, trước tiên các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại châu Á cần lưu tâm chính là vấn đề môi trường và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh công nghệ thực phẩm và chủ nghĩa tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng, nếu các doanh nghiệp tại châu lục này không tự thay đổi, thì chính họ đang đẩy họ tụt lai phía sau.
Để có thể tránh được kịch bản đó, điều này đòi hỏi một cuộc đại tu triệt để và khó khăn, ngày từ chính chuỗi cung ứng, cũng như các danh mục sản phẩm.
Để có thể thay đổi tư duy và cách vận hành của toàn bộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung không phải là câu chuyện một sớm một chiều.
Tại Việt Nam, với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc và môi trường cạnh tranh ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm cũng đã nhận thức được rõ nét hơn tầm quan trọng của việc phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vẫn có một số lượng rất lớn doanh nghiệp Việt còn loay hoay tìm hướng ra thị trường cho sản phẩm ở dạng nguyên liệu hoặc chế biến thô, chưa thực sự đầu tư sâu để nâng giá trị gia tăng. Thực tế xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam tăng cao qua các năm nhưng sản phẩm thô vẫn chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch.
Rõ ràng, phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thực phẩm đang là một câu chuyện sống còn.
Nếu không hành động và lên tiếng kịp thời, thì khi cái cây cuối cùng héo tàn, khi dòng sông cuối cùng cạn khô và con cá cuối cùng bị bắt, chúng ta mới nhận ra rằng tiền không thể ăn được - thì câu chuyện đã trở nên quá muộn!
An Chi