Đó là thông tin được Cục Thú y công bố trong hội nghị “Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và chăn nuôi gia cầm đảm bảo tính bền vững; góp ý cho các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi” được Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 6/9, tại tỉnh Bến Tre.
Thông tin về thực trạng dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên phạm vi toàn quốc, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Từ tháng 2 đến ngày 3/9, DTCLP đã xảy ra trên 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh thành của cả nước.
Hiện đã tiêu hủy 4,7 triệu con với tổng trọng lượng 270 nghìn tấn, khoảng 7% trọng lượng thịt lợn cả nước.
Dịch bệnh có xu hướng giảm
Tuy nhiên đến nay, theo Cục Thú y số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy ngày càng giảm. Một số nguyên nhân có thể kể đến như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn bị bệnh đã được tiêu hủy, các hộ nuôi chưa tái đàn, xuất bán nên mật độ giảm, các hộ nuôi đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học phòng chống dịch bệnh…
3 tháng gần đây, số xã phát sinh thêm đã giảm so với thời điểm trước. Tháng 6 giảm 24,6% so với tháng 5, tháng 7 giảm 7,7% so với tháng 6 và tháng 8 giảm 18% so với tháng 7.
Ngành chức năng tiêu hủy lợn nhiễm bệnh DTLCP tại Tiền Giang.
Hiện nay, chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học (ATSH), VietGAHP ngày càng tăng cả về số lượng hộ lẫn trang trại. Năm 2016, cả nước chỉ có 174 trang trại, hơn 18 nghìn hộ chăn nuôi áp dụng VietGAHP thì đến năm 2018, có 282 trang trại và 22,7 nghìn hộ chăn nuôi theo hình thức này.
Dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng ra 7.000 xã của nước.
Tính đến 1/7, tổng đàn lợn cả nước đã giảm 18,5% so thời điểm cuối năm 2018, đạt trên 22,2 triệu con. Trong đó đàn lợn nái là 3,2 triệu con giảm khoảng 20% và tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 2,1 triệu tấn giảm khoảng 6,5%.
Trên đàn gia cầm, số liệu thống kê 3 năm gần nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của đàn vật nuôi đạt 6,33%/năm. Đến cuối năm 2018, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 409 triệu con. Trong đó, gà chiếm 77,5%, đạt 317 trệu con.
Hiện nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát tương đối tốt. Từ đầu năm đến nay cả nước mới xảy ra 16 ổ dịch, tiêu hủy 29 nghìn con. Dịch bệnh trên đàn gia cầm trong thời gian tới có thể diễn phức tạp và nguy cơ xảy ra cao do nhiều nguyên nhân như: vận chuyển nhiều, thời tiết thay đổi.
Từng bước chuyển đổi chăn nuôi
Nhiều địa phương tại ĐBSCL đã cùng chung quan điểm: Cần tìm giải pháp từng bước tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang nuôi gia trại, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hoặc quy mô lớn hơn để liên kết sản xuất an toàn theo quy trình ATSH, bao tiêu đầu ra với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đã hình thành lâu đời, cần tìm ra cơ chế để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi này.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Chăn nuôi là nghề truyền thống của nông dân Bến Tre, ảnh hưởng quan trọng đến sinh kế của hộ gia đình. Hiện nay, Bến Tre có khoảng 80 nghìn hộ chăn nuôi. Trong đó, nuôi lợn chiếm trên 22 nghìn hộ, với tổng đàn lợn dao động khoảng 600 nghìn con, còn đàn gia cầm cũng chiếm khoảng 6 triệu con.
Hiện Bến Tre đã thực hiện các giải pháp để hướng dẫn người chăn nuôi theo quy trình ATSH như: tập huấn, tuyên truyền về các mô hình, kỹ thuật chăn nuôi ATSH. Về lâu dài, tổ chức lại chăn nuôi khuyến khích người dân tham gia HTX, THT từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế chính sách phù hợp, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách cho việc này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi an toàn sinh học một cách bền vững sẽ đáp ứng được nhu cầu thực phẩm đến cuối năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Chăn nuôi ATSH đóng góp một tỷ trọng quan trọng vào chăn nuôi. Đã có những mô hình thực tế, cơ sở khoa học để chăn nuôi lợn ATSH trong điều kiện DTLCP. Những quy trình, tiêu chuẩn cho ATSH đã được thiết lập.
“Nếu chúng ta chăn nuôi đảm bảo ATSH như các doanh nghiệp, một số vùng nông dân đã làm thì hoàn toàn phát triển chăn nuôi lợn một cách bền vững và đáp ứng được phần thực phẩm cho những tháng cuối năm góp phần vào đảm bảo đà tăng trưởng cũng như giảm thiểu mức tăng của CPI”, ông Tiến nói.
Hiện nay, DTLCP vẫn chưa có vắc xin điều trị vì vậy cần phải tập trung cao độ hơn nữa để giảm thiểu đến mức thấp về thiệt hại do DTLCP. Đồng thời phát triển chăn nuôi lợn ATSH cộng với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm và tăng cường nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng cho biết thêm: “Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, tái cơ cấu chăn nuôi nói riêng và đặc biệt là tái cơ cấu chăn nuôi lợn thì trong những năm qua chúng ta đã có những chiến lược phát triển chăn nuôi 10 năm. Sắp tới đây Bộ sẽ tổng kết để có một chiến lược mới.
Trước đó trong chiến lược cũ thì cũng đã giảm tỷ lệ thịt lợn xuống nhưng sau 10 năm thì tỷ lệ thịt lợn vẫn ở mức 72% so với tổng sản phẩm thịt tiêu thụ. Sắp tới tái cơ cấu chuyển sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm giảm tỷ lệ thịt lợn đảm bảo cân đối dinh dưỡng. Đồng thời phát huy được các lợi thế vùng miền.
Đề cập đến vấn đề chăn nuôi nông hộ hiện nay, Thứ trưởng Tiến cho biết: Cả nước hiện có 2,4 triệu hộ chăn nuôi. Chăn nuôi đang là sinh kế của nhiều người thì chúng ta vẫn phải hướng tới. Ví dụ như mô hình chăn nuôi ATSH của Tập đoàn Quế Lâm rất phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh chăn nuôi trang trại, quy mô tỷ suất hàng hóa cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh”.
Tác giả: MINH ĐẢM
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam